NHƯ THẾ NÀO ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG ?
Xin chào luật sư.
Tôi tên là Nguyễn Kim A, tôi có một sự việc muốn Luật sư tư vấn cho tôi như sau: Vào khoảng 20h ngày 19/01/2020, trên đường đi làm về qua ngõ 75 đường Xuân Đỉnh, tôi đã bị chị D và bạn của chị chặn đánh, chị D cho rằng tôi có mối quan hệ bất chính với chồng của chị (Anh K làm cùng cơ quan với tôi), tôi đã giải thích rõ với chị là tôi và anh K chỉ là đồng nghiệp, thi thoảng có trao đổi với nhau về công việc, chúng tôi hoàn toàn trong sạch nhưng chị D không những không nghe mà còn túm tóc và tát tôi nhiều lần, xô đẩy tôi ngã vào hàng quán bán nước khiến tôi phải khâu 3 mũi, sau đó trong lúc hai bên xảy ra xô xát tôi đã đẩy ngã chị D xuống mặt đường khiến chị D bị gãy tay phải.
Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp này, hành vi của tôi có được coi là phòng vệ chính đáng không? Tôi có phải chịu trách nhiệm gì không?
Cảm ơn Luật sư !
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Hãng Luật Anh Bằng. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Trường hợp phòng vệ chính đáng được quy định cụ thể tại Điều 22 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
1, Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2, Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Vì vậy, theo quy định trên, khi xem xét một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần phải có đầy đủ các yếu tố sau:
- Một là về phía nạn nhân:
Nạn nhân là người đang có hành vi xâm hại đến các lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, của chính bản thân người phòng vệ hay của người khác (người thứ 3). Hành vi xâm phạm của người có hành vi xâm phạm là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ nguy hiểm đáng kể này còn tùy thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm. Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ. Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm là hành vi mà pháp luật cho phép thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Trong tình huống của bạn, D và N đã đánh bạn và khiến bạn bị thương ở vai và bị khâu 3 mũi.
- Hai là về phía người phòng vệ:
Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản, nhân phẩm, danh dự, các lợi ích xã hội khác thì thiệt hại do người phòng vệ chỉ có thể là tính mạng hoặc sức khỏe của người có hành vi xâm phạm.
Nếu người phòng vệ không gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác (thường là người thân của người có hành vi xâm phạm) thì không được coi là hành vi phòng vệ.Trường hợp người phòng vệ không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe của người có hành vi xâm phạm mà gây ra thiệt hại khác của người có hành vi xâm phạm thì cũng không được coi là hành vi phòng vệ.
Ngoài ra, trường hợp người có hành vi xâm phạm gây ra thiệt hại về tài sản của người khác, sau đó một người khác lại gây ra thiệt hại tài sản của người có hành vi xâm phạm thì cũng không được xem là hành vi phòng vệ. Do đó, trong tình huống của bạn, D và N là người đã gây ra tổn hại về sức khỏe cho bạn trước sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe đối với D.
- Ba là hành vi chống trả phải là cần thiết:
Cần thiết trong trường hợp phòng vệ chính đáng thể hiện tính không thể không chống trả trước một hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Để xác định sự chống trả có cần thiết trong phòng vệ hay không thì phải căn cứ vào tính chất của quan hệ xã hội bị xâm phạm; mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra; tính chất và mức độ nguy hiểm của phương tiện hay công cụ mà người có hành vi xâm phạm sử dụng. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối tương quan lực lượng giữa hai bên, thời gian, không gian, địa điểm,…Khi đã xác định được sự chống trả là cần thiết thì dù thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm lớn hơn so với thiệt hại mà nười có hành vi xâm phạm gây ra cho người có hành vi phòng vệ thì vẫn được xem là hành vi phòng vệ chính đáng. Mặc dù trong tình huống của bạn, bạn đã gây thương tích cho T lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng đây là điều cần thiết để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình.
Như vậy, theo thông tin cung cấp có thể thấy trong lúc xảy ra xô xát, bạn đang bị lâm vào tình thế cần phải tự vệ cho nên hành vi của bạn là phòng vệ chính đáng.
Tuy nhiên, nếu hành vi chống trả của bạn vượt quá mức cần thiết thì hành vi đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội:
1, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3, Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Ngoài ra, mặc dù chưa xác định được mức thương tật nhưng bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện D và N về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ xung năm 2017.
Trên đây là ý kiến tư vấn tham khảo của chúng tôi cung cấp dựa trên những thông tin của bạn đã gửi, nếu bạn còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng Tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý toàn quốc 0982 69 2912 | 0913 092 912 của Hãng Luật Anh Bằng. Email: luatsuanhbang@gmail.com
Trân trọng./.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW | since 2007
VP: P.905, Tòa nhà CT 4-5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Web: anhbanglaw.com | luatsucovandoanhnghiep.vn | hangluatanhbang.vn
Email: luatsuanhbang@gmail.com | hangluatanhbang@gmail.com
Điện thoại: 0243.7.645.594 - 0243.7.673.930 -Fax: 0243.7.675.594
Hotline GĐ: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 - Luật sư, ThS Minh Bằng
|