NHƯ THẾ NÀO LÀ TÌNH TIẾT MỚI TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ ?
Xin chào Luật sư !
Tôi là Phạm Thị Thoa
Xin hỏi luật sư giải đáp cho sự việc vụ xử kiện án oan sai về đất đai liên quan đến gia đình chúng tôi. Sự việc là như sau:
Năm 1990, bố mẹ tôi có mua một thửa xuất đất giãn dân của ông chú (em bố), hai bên viết giấy tay có xác nhận chính quyền ủy ban xã. Tứ cận trước giáp lộ đê, sau giáp sông, phải giáp ông Thán (người kiện gia đình tôi), trái giáp đình làng. Khi đó, có chỉ mô mốc là bờ thửa luống rau giáp đất ông Thán vì đất lúc đó canh tác hoa màu, sau khi mua gia đình tôi tiếp tục sử dụng canh tác rau theo mùa vụ. Năm 2001, được nhà nước cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình với diện tích 913m2 (200 thổ, còn lại là cây hàng năm), trong đó có hành lang an toàn lộ đê là 60m2. Năm 2002, gia đình ông Thán cũng được cấp bìa nhưng đất vẫn để vậy không canh tác, sử dụng gì. Năm 2004, bố mẹ tôi xây dựng ngôi nhà kiên cố 02 tầng 1 tum giáp đất ông Thán, do thế đất hình thang cạnh tiếp sông dài hơn cạnh tiếp đê nên khi làm nhà mặt đê xây hết đất, mặt sông trừ lại lưu không khoảng gần 1m.
Năm 2010 bố tôi chết, năm 2012 mẹ tôi tách đất cho 03 người con, tôi được 190 m2 phần có nhà 2 tầng và được nhà nước cấp tách bìa riêng. Tuy vậy, các con không ngăn mốc giới riêng từng thửa đất mà vẫn là cả một khuôn viên thửa lớn. Thực tế, 2 em tôi vẫn chưa làm nhà, đất canh tác rau, mẹ thì ở cùng với tôi.
Năm 2016, ông Thán kiện gia đình tôi xây nhà có lấn sang khoảng 20m2. Lý do tại tòa ông đưa ra là đất năm 2002 được cấp bìa diện tích 120m2, cuối năm 2015 bán 60 m2 tách sổ cho người mua kiểm tra hiện trạng thiếu khoảng 20m2 về phía giáp sông. Tòa án có về đo đạc, thẩm định tại hiện trường tranh chấp thấy đất ông Thán theo bìa gốc tách trả người mua thiếu nên tuyên án buộc tôi phải trả 20,8m2 đất và phá dỡ cả vào nhà vị trí giáp sông 8m2. Sau khi án tuyên mẹ tôi búc xúc oan ức sinh bệnh ốm và do không hiểu biết pháp luật nên mất quyền chống án. Thi hành án vào, mẹ tôi không đồng ý nên bị cưỡng chế họ xây tường ngăn trả đất ô Thán phía sau nhà giáp sông, nhưng tới khi phá tường ngôi nhà họ thấy không đảm bảo an toàn nên tạm dừng lại. Sau sự việc, có người tư vấn gia đình tôi đã thuê đơn vị đo đạc lại toàn bộ đất, kết quả cho thấy tổng diện tích đất gia đình tôi là 805m2 sau khi đã trừ đi hành lang đê 60m2, vậy còn thiếu khoảng 48m2. Tôi đến UB xã xin trích lục hồ sơ địa chính thấy thể hiện diện tích là 913m2, cạnh đê 46,3m, cạnh sông 48,6m đối chiếu với kết quả đo đạc thì thấy hiện trạng cạnh đê thiếu 20cm, cạnh sông thiếu khoảng 2m. Tìm hiểu tôi biết phía đầu cống tưới tiêu cách đất ông Thán 05 nhà, năm 1995 nhà nước có thu hồi 5m, mỗi phía 2,5m làm cống, thời điểm đó mỗi nhà tôi canh tác rau màu còn tất cả để hoang thả trâu bò. Sau này, đo đạc cấp sổ nên nhà trước tiệm tiến vào nhà sau cho đủ đất nên ông Thán thiếu đất lại đòi gia đình tôi. Tôi có trình bày với cơ quan THA, họ cho biết đó là tình tiết mới và hưỡng dẫn làm đơn đề nghị tái thẩm lại Bản án.
Sự việc là như vậy, kính mong Luật sư tư vấn giúp.
Chào Chị.
Tình tiết vụ án chị trình bày, chúng tôi nhận thấy việc bố mẹ chị nhận chuyển nhượng đất, canh tác sau đó làm nhà, được cấp GCNQSDĐ từ lâu không tranh chấp gì; hơn nữa nhà ông Thán cũng được cấp GCNQSDĐ hai bên không có ý kiến thắc mắc, khiếu kiện gì cho đến khi ông Thán nhượng cho người khác nại ra thiếu đất thì mới kiện khó có cơ sở chấp nhận được. Cần phải xet xét, đánh giá chứng cứ ông Thán xuất trình, giao nộp tòa án.
Hơn nữa, việc gia đình thuê đơn vị đo đạc toàn bộ thấy thiếu diện tích so với GCN, cạnh dài giáp sông ngắn hơn sơ với hồ sơ địa chính; năm 1995 nhà nước thu hồi đất làm cống tưới tiêu, việc cấp GCN cho các hộ sau này có tiệm tiến chồng lấn không là cần thiết phải xem xét. Đây được coi là các “Tình tiết mới” có thể thay đổi nội dung, bản chất vụ án, tức có thể xoay ngược tình thế chứng minh cho nhận định, pháp quyết trước đó của bản án là không khách quan, đúng pháp luật.
Tình tiết mới được hiểu như thế nào ? Tình tiết mớilà những tình tiết sự việc, diễn biến mà đương sự, người tham gia tố tụng không biết được, chưa cung cấp cho Tòa án, cũng như Tòa án cũng không biết đến sự tồn tại của loại tình tiết mới này và sự xuất hiện của tình tiết mới này có thể làm thay đổi căn bản nội dung của bản án, quyết định khi Tòa án ra bản án, quyết định ...
Khi phát hiện, có chứng cứ là “Tình tiết mới” gia đình cần tiến hành đề nghị (khiếu nại) người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015, quy định về trình tự, thủ tục tái thẩm như sau
Tính chất của tái thẩm (Đ 351)
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Đ 352).
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Thông báo và xác minh tình tiết mới được phát hiện (Đ 353).
1. Đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 354 bộ luật này.
2. Trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 354 của Bộ luật này.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Đ 354).
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Đ 355).
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này.
Chúc chị thành công.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG.
Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lý nào bận tâm xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nóng tư vấn toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913092912 - Zalo: 0982692912 (cả ngày Thứ 7, CN)
Trân trọng.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ :0913 092 912 * Zalo: 0982 69 29 12 | Web: hangluatanhbang.vn
|