Tư vấn xây dựng chiến lược phát triển Thương hiệu, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. Hotline: 0913 092 912 * 0982 69 29 12.
TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU VIỆT NAM
Trong xu thế nền kinh tế hội nhập toàn cầu, môi trường tự do mậu dịch được hình thành qua các hiệp định thương mại tự do như cộng đồng ASEAN, Hiệp định thương mại tự do FTA giữa ASEAN và các đối tác, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP..., không chỉ các doanh nghiệp cần chú trọng tới xây dựng, phát triển, bảo hộ thương hiệu để cạnh tranh cùng các doanh nghiệp trên toàn cầu mà ngay cả các sản phẩm, mặt hàng truyền thống của làng nghề, vùng miền Việt Nam cũng cần phải coi đó là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của làng nghề, vùng miền, doanh nghiệp mình. Chúng tôi, Hãng Luật Anh Bằng xin được gửi tới Quý bạn đọc bài viết này với mong muốn góp một tiếng nói để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về thương hiệu, hiểu được tầm quan trọng, thực trạng cũng như giải pháp trong việc bảo hộ thương hiệu đối với các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các sản phẩm, dịch vụ của các làng nghề truyền thống, địa phương, vùng miền lãnh thổ nói riêng.
1. Tổng quan về thương hiệu, Sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, thuật ngữ thương hiệu đã được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Nhắc đến thương hiệu thì có thể mọi người đều biết, nhưng để định nghĩa đầy đủ và chính xác thì không phải ai cũng hiểu. Lý do là vì trong các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay không có thuật ngữ thương hiệu mà chỉ có các thuật ngữ liên quan khác như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, Logo, Nhãn mác, Chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp… Như vậy, có thế hiểu thuật ngữ thương hiệu một cách tương đối như sau:
Thương hiệu, trước hết là một thuật ngữ dùng nhiều trong marketing; là hình tượng về một cơ sở sản xuất, kinh doanh (doanh nghiệp, thương nhân, nghệ nhân…) hoặc hình tượng về một loại hoặc một nhóm hàng hóa, dich vụ; là tập hợp các dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dich vụ của doanh nghiệp, làng nghề, vùng miền… này với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, làng nghề, vùng miền… khác. Các dấu hiệu có thể là các chữ cái, con số, hình vẽ, hình tượng, sự thể hiện màu sắc, âm thanh… hoặc sự kết hợp các yếu tố đó. Nói đến thương hiệu không chỉ nhìn nhận và xem xét trên góc độ pháp lý của thuật ngữ này mà quan trọng hơn, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam thì cần nhìn nhận nó dưới góc độ quản trị doanh nghiệp và marketing.
Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ chính là Thương hiệu (ưu tín, danh tiếng..), Nhãn hiệu, Tên thương mại, Logo, Bí quyết kinh doanh, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn mác, slogans (phương châm, triết lý kinh doanh), bản quyền tác giả, chỉ dẫn địa lý….Nó là tài sản vô giá của doanh nghiệp, làng nghề, vùng miền xuất sứ của sản phẩm, dịch vụ. Nó là hoa tiêu, định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ có danh tiếng, uy tín, chất lượng; nó giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ. Vì vậy, Sở hữu trí tuệ, bản quyền là tài sản vô giá của doanh nghiệp, doanh nhân, làng nghề, vùng miền có danh tiếng, uy tín, chiếm lĩnh thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, nó khẳng định thương hiệu, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân, làng nghề, vùng miền đó trên thương trường. Đến lúc này, Sở hữu trí tuệ, Bản quyền trở thành yếu tố trung tâm,cốt lõi, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp, doanh nhân, làng nghề, vùng miền đó.
2. Vai trò, tầm quan trọng của Thương hiệu.
Để có cơ sở trực quan, sinh động về vai trò, tầm quan trọng của Thương hiệu đối với sự phát triển vững bền của doanh nghiệp, doanh nhân, làng nghề, vùng miền…Chúng ta hãy nhìn nhận về Thương hiệu - Nhãn hiệu Coca Cola.
Tại sao nói đến “Cocacola” thì từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết?. Vì “Cocacola” là một thương hiệu về nước uống nổi tiếng trên toàn thế giới.“Cocacola” không chỉ đơn thuần là một cụm từ được hình thành bởi các chữ cái, mà nó là một “ Nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng” thuộc quyền sở hữu (Sở hữu trí tuệ) của người/doanh nghiệp sáng lập ra nó. Vượt trên tất cả giá trị trên - đó là số lượng nước uống bán ra, là tiền ($), là lợi nhuận của người/doanh nghiệp sở hữu nó thu được. Hơn nữa, bản thân nhãn hiệu “Cocacola” thôi cũng đã mang lại giá trị tài sản lớn được nhân bản theo thời gian cho người/doanh nghiệp sở hữu nó, nó là một tài sản vô giá thuộc độc quyền của chủ sở hữu, không một ai có thể đặt tên/gắn cho sản phẩm của mình nhãn hiệu “Cocacola” khi không được sự cho phép của chủ sở hữu. Chắc chắn rằng sự đồng ý đó (nếu xảy ra) thì phải bị ràng buộc nghiêm ngặt và phải trả nhiều tiền ($).
Như vậy, vững chắn khẳng định rằng “ Thương hiệu là tài sản vô giá - yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của bất kỳ doanh nghiệp, thương nhân, làng nghề, vùng miền… nào”. “Nếu không có thương hiệu, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng rất khó có thể tồn tại trên thương trường”.
3. Thực trạng việc bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam hiện nay.
Phần đa các doanh nghiệp, thương nhân, làng nghề, vùng miền… của nước ta hiện nay đều chưa nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu và sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm của mình. Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hầu như không chú ý hoặc chậm trễ trong việc đăng ký thương hiệu hoặc khi đã có thâm niên hoạt động, có chỗ đứng trên thương trường mới lo bảo hộ cho thương hiệu của mình do bị các đối thủ cạnh tranh dòm ngó, sao chép và nhái lại để đánh lừa người tiêu dùng. Lúc này, việc bảo hộ sẽ vô cùng khó khăn vì theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, thương hiệu chỉ được bảo hộ tuyệt đối bằng việc đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, đối với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có đầu tư cho việc bảo hộ thương hiệu của mình cũng mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước, mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài. Vì vậy, không ít thương hiệu lớn của các Việt Nam đã bị các công ty của nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Cà phê Đăk Lăk năm 1997, kẹo dừa Bến Tre năm 1998, Vifon năm 2001, thuốc lá Vinataba, Petro năm 2002, Cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc năm 2011... Đây là bài học đắt giá cho tính chủ quan của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, tới khả năng tiêu thụ, thâm nhập của các thương hiệu mạnh, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
4. Giải pháp để xây dựng, phát triển và bảo hộ Thương hiệu - Quyền sở hữu trí tuệ.
Trong nền kinh tế trí thức và hội nhập toàn cầu như hiện nay thì cách kinh doanh chớp nhoáng, chộp giật, thời vụ, ăn sổi…không thể tồn tại và phát triển đi lên được, không sớm thì muộn sẽ bị thương trường, người tiêu dùng đào thải, loại bỏ ra khỏi cuộc chơi. Thời cuộc hiện nay chỉ dành cho những doanh nghiệp, doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng, có tâm, có đức, trí, dũng, thận trọng, cẩn thận, cần mẫn… từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm gieo mầm giống tốt, bền bỉ chăm sóc, vun sới, cắt tỉa, mài dũa…cho thành quả là “Thương hiệu”, danh tiếng, uy tín, lòng tin của khách hàng để chiếm lĩnh được thị phần trên thương trường.
Thương hiệu, danh tiếng đó không thể một sớm một chiều mà có được, mà nó là cả một quá trình chắt nhặt, tích luỹ, nhào nặn, tôi luyện cho từng thành quả nhỏ nhất của mình đã đạt được tích hợp trong sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng.
Để đạt tới đích có thương hiệu, danh tiếng trên thương trường, doanh nhân bắt buộc phải xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp trong từng thời kỳ, giai đoạn kinh doanh nhất định của mình, phải thực hiện và đạt được các thành quả từ nhỏ bé nhất như “cái kim, sợi chỉ”. Việc làm đó phải thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi quá trình, khâu, công đoạn sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài việc làm trên, doanh nhân phải đặc biệt quan tâm, chú trọng đến các quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ về việc bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ nói chung (nghĩa rộng), bảo hộ thương hiệu nói riêng để đạt tới mục đích được Nhà nước công nhận, thế giới công nhận, pháp luật bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, quyền tác giả, chỉ dẫn địa lý…của mình. Nếu doanh nghiệp, doanh nhân lãng quên, không luy ý, không quan tâm, cho rằng không quan trọng, không bức thiết tới việc đăng ký bảo hộ triệt để quyền Sở hữu trí tuệ thì tất yếu khẳng định rằng bao nhiêu công sức xây dựng bỏ ra cũng sẽ như “giã tràng se cát” mà thôi.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007
VP: P. 1503, tòa nhà HH1, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Dây nói: 043.7.673.930 - 043.7.675.594 - Fax: 043.7.675.594
Hotline: 0913 092 912 - 0982 69 29 12 : Luật sư Minh Bằng
E: luatsuanhbang@gmail.com - W: anhbanglaw.com
LUẬT SƯ TƯ VẤN PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRỰC TUYẾN: 0982 69 29 12
|