SÂN CHƠI CPTPP- SỰ MINH BẠCH VÀ THỰC THI || HÃNG LUẬT ANH BẰNG * Hotline: 0913 092 912 - 0982 69 29 12
Rạng sáng ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), Lễ ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago của Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký kết có đại diện 11 quốc gia gồm: Autralia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký. Trước đó, sau sự việc Hoa Kỳ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước này đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về nội dung và với tên gọi mới của TPP là CPTPP bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng - Việt Nam.
Trước khi hiệp định được ký kết, các nước bên ngoài như Anh, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và Indonesia cũng đang tiến hành xem xét để gia nhập CPTPP. Những diễn biến này được xem là thông điệp dành cho Mỹ và CPTPP vẫn chào đón nếu Mỹ có ý định tham gia. Theo ông Kazuyoshi Umemoto- Trưởng phái đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, sau khi CPTPP có hiệu lực bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến hệ thống thương mại tự do, đa phương, dựa trên luật lệ và sẵn sàng tuân thủ những quy định của CPTPP cũng đều có thể được chào đón.
Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội song cũng đối mặt với không ít thách thức từ CPTPP. CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bởi nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, đánh bắt cá,... mở rộng các ngành sản xuất nội địa, nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam được xem là nước có rình độ phát triển thấp nhất trong các thành viên CPTPP thì việc Việt Nam phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm.
Từ những cơ hội và thách thức nêu trên, CPTPP đã và đang là một sân chơi chung cho 11 quốc gia thành viên, đòi hỏi một môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, công khai, minh thị về thông tin và các kế hoạch của Chính phủ, và thúc đẩy thay đổi trong cách điều hành của Chính phủ, cải thiện luật thuế và vai trò của doanh nghiệp có vốn nhà nước.. Bên cạnh việc quy định về tự do thương mại truyền thống, CPTPP còn bao gồm các quy định về vấn đề mua sắm của chính phủ, nâng cao vai trò của giới lao động, các hiệp hội, công đoàn, các qui định để bảo vệ môi trường và các cơ chế để giải quyết những vi phạm hiệp định và những tranh chấp giữa các thành viên. Do vậy vấn đề minh bạch trong khâu sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ, các chỉ tiêu chất lượng. Bởi chỉ có sự minh bạch mới khiến cho quá trình liên kết, hợp tác giữa các quốc gia thành viên đạt được hiệu quả cao, mục đích của CPTPP mới có thể đạt được.
Bên cạnh việc đảm bảo sự công khai, minh bạch thì việc làm thế nào để thực thi hài hòa cam kết quốc tế đã ký kết với pháp luật quốc gia cũng là một vấn đề đáng được quan tâm, điển hình là trong lĩnh vực lao động, sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực Lao động, CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, độ tuổi lao động, mức lương cho người lao động nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp cùng hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. Bao gồm tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Việt Nam đã ký kết, đồng nghĩa với việc sẽ công nhận nghĩa vụ này để đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống pháp luật và thể chế hiện đang diễn ra. Đồng thời nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp và xã hội, hướng tới ổn định về chính trị và thịnh vượng chung.
Tham gia sân chơi CPTPP, Sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam khi ta là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia và hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa phù hợp với hệ thống pháp luật của các nước phát triển. Điển hình, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, sau nhiều đề xuất, đến nay vẫn chưa được Quốc hội xem xét sửa đổi. Trong khi đó, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) dù đã được thông qua hồi tháng 6/2017, nhưng đến nay vẫn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về chuyển giao công nghệ. Do vậy, trước mắt doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, đổi mới công nghệ…, doanh nghiệp phải nâng trình độ nhân lực đồng thời phải có ngay chiến lược cạnh tranh mới.
Tóm lại, tham gia vào sân chơi chung CPTPP, Việt Nam cần đảm bảo sự minh bạch và tiếp cận, thực thi các cam kết trong CPTPP một cách hài hòa với pháp luật quốc gia một cách cầu thị; mạnh dạn vận dụng các bài học thực tế về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp đã được vận dụng bởi các nước phát triển. Có như vậy thì Việt Nam mới có động cơ và động lực để thay đổi và cải cách.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007. Chúng tôi, hãng luật hàng đầu tại Hà nội với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động chuyên tư vấn, cung ứng các dịch vụ pháp lý chuyên sâu về Đăng ký kinh doanh và bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. HÃNG LUẬT ANH BẰNG đã tư vấn, thực hiện việc thành lập Doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (Nhãn hiệu, Logo, Thương hiệu, Kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bí quyết kinh doanh, nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ…) cho hàng nghìn doanh nghiệp, doanh nhân tại Hà Nội và các Tỉnh thành. Chúng tôi luôn nghiêm túc nghiên cứu, xem xét cẩn trọng nhu cầu của khách hàng để đưa ra các tham vấn, phương án, giải pháp tối ưu cho thân chủ, khách hàng. Quý khách có nhu cầu về tư vấn daonh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi - HÃNG LUẬT ANH BẰNG để được tư vấn trao giải pháp tối ưu và thụ hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, hoàn hảo.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007
VPGD: P. 1503, Tòa nhà HH1 Phố Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0243. 7.647.459
Web: anhbanglaw.com | luatsucovandoanhnghiep.vn
Email: luatsuanhbang@gmail.com * luatsuminhbang@gmail.com
Hotline Trưởng Hãng Luật: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 Ls: Minh Bằng
|